World Cup 2022: Thủ môn thắng thế trên chấm 11m

18:05 ngày 09/12/2022

Một phần ba số quả đá phạt 11m ở World Cup 2022 cho đến nay đã bị hóa giải thành công. Có vẻ như khi đối mặt với cầu thủ đối phương từ khoảng cách 11m, các thủ môn đang chiếm thế thượng phong.

Ngay khi 120 phút trận đấu giữa Tây Ban Nha với Morocco ở vòng 1/8 World Cup 2022 kết thúc, bình luận viên của kênh ESPN đã hét lên: “The penalty shoot-out lottery begins” - tạm dịch: “Trò chơi xổ số trong loạt đá luân lưu bắt đầu!”. Nhưng những quả đá phạt trên chấm 11m, ít nhất đối với các thủ môn, giờ không còn là trò xổ số may rủi.

Còn nhớ ở World Cup 1966, trọng tài đã thổi 8 quả phạt đền và tất cả đều được thực hiện thành công. Đó là thời kỳ bóng đá còn “mông muội”, khi các ứng dụng công nghệ còn chưa được áp dụng vào trong bóng đá. Thủ môn ngày ấy hầu như không có sự chuẩn bị cho tình huống đối mặt với những quả penalty, ngoại trừ mách nước từ ban huấn luyện.

Trong bóng đá hiện đại thì khác. Trước mỗi trận đấu, để chuẩn bị cho tình huống phải bước vào loạt đá luân lưu, các thủ môn được xem kỹ cách sút phạt của từng cầu thủ đối phương, từ thói quen di chuyển, hướng sút bóng ưa thích qua băng ghi hình hay phân tích của trí tuệ nhân tạo… Thậm chí tâm lý của từng cầu thủ đối phương cũng được tập hợp thành tài liệu cho thủ môn lưu ý.

Một yếu tố không thể không tính đến là sự xuất hiện của VAR (trọng tài video). Việc áp dụng công nghệ này vào bóng đá cũng khiến các cầu thủ thực hiện đá phạt 11m phải chuẩn chỉnh hơn. Bởi sẽ không có chuyện trọng tài mắt nhắm mắt mở bỏ qua những tình huống sút phạt mà động tác bị cho là mắc lỗi chuyên môn ví dụ như việc làm động tác giả sau khi đã kết thúc chạy đà và thực hiện sút bóng.

Nghĩa là trong bóng đá ngày nay, thủ môn được trang bị rất tốt trước mỗi loạt đá luân lưu. Vì thế, thường là họ có tâm lý vững vàng trước những pha sút phạt 11m. Trong khi đó, các cầu thủ được giao đá phạt 11m lại phải chịu áp lực lớn. Họ bước lên thực hiện động tác sút bóng với ám ảnh rằng bản thân đã bị đối phương “bắt thóp”.

Đó là lý do giải thích tại sao một phần ba số quả 11m ở World Cup 2022 đã bị các thủ môn hóa giải thành công. Cụ thể, trong số 24 quả 11m diễn ra tại Qatar, có 8 lần bị thủ môn cản phá, 1 lần bóng đi dội cột dọc, còn lại 15 lần được chuyển hóa thành bàn thắng. 

Trong đó, thủ thành Wojciech Szczesny của ĐT Ba Lan nổi bật ở World Cup 2022 với 2 pha từ chối bàn thắng của đối phương sau những quả phạt đền, ngay cả khi cầu thủ mà anh đối mặt là thiên tài Lionel Messi.

Tính từ khi World Cup 2022 khởi tranh, đã có 2 trận đấu phải phân định thắng thua trong loạt đá luân lưu. Đầu tiên là Nhật Bản bị Croatia loại ở vòng 1/8 sau những cú đá phạt 11m. Trong đó, 3 cầu thủ của đội bóng xứ sở hoa Anh Đào sút hỏng luân lưu là Takumi Minamino, Kaoru Mitoma và Maya Yoshida. Mới đây nhất, Tây Ban Nha phải dừng chân trước cánh cửa vòng tứ kết, sau khi Pablo Sarabia sút 11m đưa bóng dội cột dọc, còn những cú dứt điểm của Carlos Soler và Sergio Busquets bị thủ môn Bono hóa giải.

Những gì đã xảy ra trên chấm 11m ở World Cup 2022 cho thấy một điều: Ngày nay, các thủ môn mới là những người chiếm lợi thế trong những màn đấu trí trên chấm phạt đền. Chẳng thế mà người Tây Ban Nha đã thất bại trước Morocco, dù trước trận đấu này HLV Luis Enrique tiết lộ rằng, ông đã bắt mỗi học trò tập sút phạt đền ít nhất 1000 lần trước khi đến Qatar.

Chịu trách nhiệm nội dung: Hoàng Văn Bền
Địa chỉ: Số nhà 12 liền kề 31, Khu đô thị Đại học Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội 10000, Việt Nam
Điện thoại: 0383216124
Email: [email protected]
DMCA.com Protection Status
Giới thiệu | Chính sách bảo mật | Điều khoản dịch vụ | Liên hệ